Loading...

7 Mẹo Nhỏ Cải Thiện Trải Nghiệm Người Dùng Mobile

Có rất nhiều yếu tố giúp bạn có được những thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Design) thành công, song dưới đây sẽ là 7 mẹo nhỏ giúp cải thiện trải nghiệm người dùng di động (mobile user experience) mà bạn có thể dễ dàng áp dụng.

Trên thực tế, có rất nhiều ứng dụng mà bạn có thể tải về cách đây hàng tháng trời, và chỉ sau thời điểm đó chừng 1-2 ngày là bạn chẳng còn ngó ngàng tới nó nữa! Câu chuyện này hoàn toàn không có gì là xa lạ, bởi theo nghiên cứu thì các ứng dụng di động thường bị mất tới 77% người dùng di động chỉ trong khoảng 3 ngày đầu tiên. Nói vậy là đủ để bạn hiểu cái được gọi là ‘ấn tượng ban đầu’ nó lại quan trọng tới mức nào rồi chứ?

Và như thế, chỉ trong khoảng thời gian một đôi ngày trước khi bỏ lỡ mất một người dùng nào đó, các sản phẩm ứng dụng di động hay các website sẽ cần phải gây được ấn tượng đủ mạnh, đặc biệt là vào thời điểm khi họ thực sự tương tác với hệ thống. Để làm được điều này, UX design chính là một yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Có rất nhiều yếu tố giúp bạn có được những thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Design) thành công, song dưới đây sẽ là 7 mẹo nhỏ giúp cải thiện trải nghiệm người dùng di động mà bạn có thể dễ dàng áp dụng.

Hãy ưu tiên khả năng truy cập

Dù cho bạn đang thiết kế ứng dụng di động hay website dành cho di động, thì điều đầu tiên bạn nên cân nhắc chính là khả năng truy cập. Mọi người thường sử dụng thiết bị di động bởi nó nhanh chóng và tiện lợi hơn so với máy tính để bàn. Quan điểm này cũng nên được áp dụng vào thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Design). Biện pháp trước nhất để khiến để thiết kế dành cho di động của bạn có được khả năng truy cập cao, đó là xây dựng được một Call-To-Action rõ ràng (kể cả splash screen hay trên landing page), nhằm xác định đúng mục tiêu mà sản phẩm của bạn hướng đến. Việc click hay cuộn trang cũng có thể biến thành một trở ngại trên các thiết bị di động, thế nên các thành phần chính hay các chức năng chủ chốt của ứng dụng, web phiên bản di động nên được hiển thị mạch lạc ngay từ đầu, tránh gây ra sự khó hiểu cho người dùng khi mới tiếp cận.

Khi tổ chức nội dung, hãy nghĩ tới những phương thức trực quan và đơn giản nhất có thể, để nhóm các tác vụ cũng như thông tin lại với nhau. Hãy ghi nhớ rằng với những thiết bị di động có kích thước màn hình nhỏ, bạn sẽ không thể sử dụng hệ thống menu dạng ‘khủng’ với quá nhiều tuỳ chọn. Hãy tổ chức hệ thống menu rõ ràng và đơn giản hết sức có thể, để chắc được rằng người dùng sẽ tìm được đúng thứ họ muốn. Không phải người dùng nào cũng đủ am hiểu và biết được ý nghĩa của các biểu tượng (ví dụ như biểu tượng 3 dấu gạch ngang dành cho menu), vậy nên nếu bạn đang hướng đến nhóm người dùng đứng tuổi một chút, hãy cân nhắc để có thể dùng thêm chữ mô tả chức năng đi kèm với các biểu tượng trên menu của mình.

Hãy chỉ dẫn cho người dùng.

Cũng t phần giúp cho nền tảng di động của bạn có thể nâng cao thêm được khả năng truy cập, bạn nên đưa ra nhiều chỉ dẫn cho người dùng của mình nhiều nhất có thể. Với các trang web phiên bản mobile thì đây là yếu tố không quá quan trọng so với như ở trên các ứng dụng di động, song với ứng dụng di động thì nó lại có tác dụng giúp chuyển đổi một người dùng mới thành một người dùng có tính trung thành cao hơn rất nhiều. Một hướng dẫn súc tích chỉ rõ vị trí của những chức năng chính có thể biến chuyển trải nghiệm của người dùng theo hướng tích cực hơn.

Nếu có thể, hãy cố gắng gia tăng sự tương tác đối với phần hướng dẫn này. Người dùng vì thế sẽ thấy dễ nhớ hơn, và tính gắn kết của người dùng cũng sẽ được nâng cao đáng kể. Bên cạnh việc hướng dẫn sử dụng, bạn cũng nên chú ý tới phần FAQ (Những câu hỏi thường gặp) hay phần Trợ giúp, nơi người dùng có thể dễ dàng tìm thấy giải đáp cho những thắc mắc của mình. Việc giao tiếp giữa nền tảng của bạn với người dùng có tạo ra rất nhiều sự khác biệt nhằm hướng đến một mối quan hệ lâu dài giữa người dùng với sản phẩm.

Sử dụng các form đăng ký đúng mực.

Các bạn hãy nhớ rằng mấy cái pop up thúc người dùng đăng ký mỗi lần họ vào thăm website hay ứng dụng, chính là một phần trở ngại cực kỳ đối với việc tương tác của người dùng. Các nghiên cứu có chỉ ra rằng có tới 86% người dùng chẳng ưa gì mấy cái form này, và có tới 23% số người dùng sẽ không chuyển đổi (convert) chỉ vì một cái form, thậm chí kể cả sau khi đã bấm nút Đăng ký rồi đấy ạ. Vậy cho nên, thay vì cấm cản người dùng xem nội dung, hãy cho họ một động lực đăng ký bằng cách chỉ ra những lợi ích mà họ sẽ có được sau khi đăng ký.

Những form đăng ký có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất thường là những form đăng ký tham gia một cuộc thi nào đó, với 28% tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate). Điều này là bởi lẽ, với người dùng, họ nhận ra một mục tiêu hết sức rõ ràng ở đây: Phần thưởng của cuộc thi đó. Tương tự vậy, hãy cho người dùng thấy một giá trị gần giống như vậy đối với hệ thống của bạn. Hãy thuyết phục người dùng của bạn rằng sản phẩm hay nền tảng của bạn thực sự mang lại giá trị cho họ, sau đó hãy kêu gọi họ đăng ký – make sense?

Và đến đúng thời điểm mà bạn cần phải thôi thúc người dùng đăng ký rồi, hãy làm cho trải nghiệm của họ trở nên thật đơn giản hết sức có thể. Các form đăng ký thông thường rất cầu kỳ. Hãy cố gắng để các form đăng ký của bạn thật ngắn gọn, cả về số lượng thông tin cần nhập vào cũng như khoảng không gian mà nó chiếm dụng trên màn hình. Nếu có thể, hãy sử dụng các hình thức đăng nhập qua các mạng xã hội như Facebook, Gmail, v.v… để đơn giản hoá quá trình này, cũng như để gia tăng tỉ lệ chuyển đổi.

Tìm kiếm hiệu quả.

Người dùng di động muốn thông tin phải thật nhanh, và họ cũng muốn tìm được thứ mình muốn trong thời gian ngắn nhất. Một trang web phiên bản di động nên có chức năng tìm kiếm được hiển thị trực quan ở trên tất cả các trang. Không nhất thiết là phải nằm trên phần sticky menu, nhưng người dùng nên dễ dàng xác định được vị trí của chức năng này mỗi khi cần tìm kiếm. Chức năng này đặt ở đâu thì còn phụ thuộc vào nội dung cũng như thiết bị hiển thị đang là thiết bị nào (hãy luôn ghi nhớ các chỉ dẫn của Apple và Google, cũng như luôn cân nhắc những gì là tốt nhất cho sản phẩm của bạn).

Chức năng tìm kiếm cũng nên đủ thông minh để tính tới cả những trường hợp gõ sai chính tả (vì có ai mà chưa từng gõ sai chính tả trên di động cơ chứ?!), và hỗ trợ gợi ý từ khoá tìm kiếm nữa, chẳng hạn. Khả năng tìm kiếm nội dung dễ dàng chính là một lợi điểm vô cùng lớn đối với bất cứ ứng dụng nào. Đặc biệt, tính năng tìm kiếm sản phẩm cho các hệ thống thương mại điện tử thì lại càng quan trọng, nó giúp chắc chắn được rằng người dùng sẽ không phải lặn lội qua biết bao nhiêu sản phẩm rồi mới tìm được thứ mình muốn. Các bộ lọc đôi khi cũng có tác dụng tích cực trong những hoàn cảnh này (cho phép người dùng lọc quần áo nam hay quần ào nữ, chẳng hạn), và cũng giúp gia tăng tỉ lệ chuyển đổi bằng cách xác định đúng những gì người dùng muốn một cách đơn giản và nhanh chóng.

Cảnh giác với các xu hướng.

Nghe thì hơi ngớ ngẩn, nhưng mà thật vậy ạ. Rõ ràng, các xu hướng là rất phổ biến, nhưng các xu hướng cũng có thể khiến bạn dễ dàng bị cuốn sâu vào những sai lầm thường thấy trong thiết kế trải nghiệm người dùng. Những xu hướng như carousels hay kiểm soát cuộn trang có thể rất lôi cuốn về mặt thẩm mỹ, song sản phẩm của bạn không nên chú trọng tới mấy vụ đẹp đẽ. Thay vào đó, hãy cung cấp cho người dùng tính năng cũng như giải pháp cho những vấn đề của họ, hay đơn giản hơn là trả lời câu hỏi của họ. Các xu hướng thường rất thừa thãi, và việc chú trọng vào chúng có thể sẽ gây tổn hại tới trải nghiệm người dùng mà bạn đang cố công gây dựng.

Hãy nhìn nhận các xu hướng từ một góc độ khác, việc đưa chúng vào ứng dụng hay website của mình có thể khiến nó lôi cuốn hơn, song cũng khiến nó trở nên khó nổi bật hơn. Nếu sản phẩm của bạn nhìn cũng giống như những sản phẩm khác, thì bạn biết phân biệt nó với các sản phẩm đối thủ ra sao đây?! Trên thế giới mạng đầy rẫy những sự lựa chọn, vấn đề thương hiệu lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và những thương hiệu thành công thường không được xây dựng nhờ vào nhận diện hình ảnh nhiều bằng sự nhận diện của nó trên thị trường cũng như cộng đồng.

Lược giản nội dung.

Nếu một ứng dụng di động hay một website muốn nỗ lực mang đến cho người dùng thứ họ muốn theo một phương thức hiệu quả, thì cách tốt nhất để tạo điều kiện cho nó là thông qua việc lược giản nội dung của chính nó. Hãy giới hạn số lượng màu, số lượng font chữ cũng như kích thước font chữ được sử dụng trên sản phẩm, để người dùng không bị ngợp nhãn. Hãy lựa chọn kỹ lưỡng một trong số những yếu tố này và sử dụng chúng một cách hiệu quả để cấu trúc thông tin mạch lạc, giúp làm nổi bật một phần nào đó thông tin nhất định. Thiết kế trải nghiệm người dùng di động nên tránh tối đa khỏi việc sử dụng các yếu tố chia tách. Việc sử dụng những yếu tố chia tách như các đường dóng, khung, hay đường viền sẽ làm tốn không gian – và bạn cũng rõ, khoảng không thiết kế dành cho các thiết bị di động là khan hiếm và đáng quý đến nhường nào rồi chứ?!

Hãy giúp người dùng đạt được đúng thứ mà họ muốn bằng cách loại bỏ bớt những thông tin không cần thiết. Tương tự, hãy chắc chắn rằng các đường link cũng như những khu vực có khả năng tương tác, được đính nhãn rõ ràng và đồng nhất, cũng như hoạt động theo đúng tư duy trên nền tảng di động. Hãy nhớ, việc click nhầm vào một đường link nào đó là một trải nghiệm cực kỳ tiêu cực đối với nhiều người dùng.

Kiểm thử người dùng thường xuyên.

Đừng nghe theo những gì người dùng muốn; hãy để ý tới những gì họ làm ấy. Nếu bạn phân tích hành vì của người dùng khi họ tương tác với sản phẩm của bạn, bạn sẽ nhận ra sai sót của mình nằm ở đâu. Hành động luôn có giá trị hơn lời nói, và bạn sẽ học được nhiều hơn về những gì người dùng muốn, bằng cách cố gắng tìm hiểu cách mà họ tương tác với thiết kế của bạn, hơn là chú tâm vào những gì họ nói rằng họ muốn. Xác định được việc người dùng muốn sử dụng sản phẩm của bạn vào việc gì sẽ giúp cho người thiết kế tạo ra được những trải nghiệm phù hợp hơn với nhu cầu của họ. Điều này cần đến rất nhiều kiểm thử trên người dùng, tốn kém và mất cũng nhiều thời gian, song xét đến cùng thì cũng là để giúp bạn có được một sản phẩm tốt hơn.

Kiểm thử người dùng cũng sẽ giúp bạn xác định được những chức năng nào trên ứng dụng hay trên web di động được thực sự sử dụng. Thậm chí có chức năng nghe rất hay, nhưng đôi khi người dùng lại chẳng tương tác nhiều với nó. Không cần biết tốn bao nhiêu thời gian cũng như tiền bạc dành cho việc phát triển những tính năng đó, nếu chúng không được dùng tới hay có được dấu hiệu khả quan, hãy bỏ chúng đi. Nhiều tính năng phụ trợ, không mang tới nhiều giá trị cho sản phẩm sẽ làm phức tạp trải nghiệm một cách không cần thiết và khiến người dùng khó đạt được đến đúng điều mà họ muốn.

Rất hi vọng rằng những mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn cản thiện được phần nào thiết kế trải nghiệm người dùng di động của bạn, cũng như gia tăng giúp bạn được tỉ lệ chuyển đổi. Nếu bạn chưa có đủ khả năng hiện thực hoá được những mẹo vặt này, hãy cân nhắc thuê một UX Designer chuyên nghiệp để có được một tỉ lệ chuyển đổi cao hơn. Nếu bạn có mẹo nhỏ nào khác muốn chia sẻ thêm, hãy cùng mình thảo luận thêm ở phần comment bên dưới nhé! 😉

Add your comment


No 16-18, Ngo Thi Nham Str., Ha Dong Dist., Hanoi.
+84 977 955 009
me@hungnm.com